HCM360
Hội quán Nghĩa An - nét văn hóa Trung Hoa độc đáo tại Sài Gòn

Hội quán Nghĩa An - nét văn hóa Trung Hoa độc đáo tại Sài Gòn

Nội dung chính

Sài Gòn là nơi tập trung đông đảo người hoa sinh sống và tổ chức kinh doanh, buôn bán. Không chỉ định cư mà cộng đồng người hoa còn mang đến đây những nét văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo rất đặc trưng thông qua các công trình đã được xây dựng từ rất lâu. Trong đó nổi bật phải kể đến Hội Quán Nghĩa An. Hãy cùng HCM360 khám phá địa điểm tâm linh nổi tiếng này nhé!

1. Hội quán Nghĩa An (chùa Ông) ở đâu?

Hội quán Nghĩa An (hay còn được gọi là chùa Ông) là một trong những địa điểm du lịch lịch sử nổi tiếng tại TP. HCM. Được xây dựng từ thế kỷ 19, hội quán đã được bảo tồn và tu bổ nhiều lần để giữ gìn những nét văn hóa xưa của người Trung Hoa. Nghĩa An Hội Quán không chỉ là nơi tập kết tôn giáo quan trọng của người Tiều tại Sài Gòn, mà còn là một tài sản về kiến trúc và nghệ thuật đáng trân trọng.

Hội Quán Nghĩa An tọa lạc tại 678 đường Nguyễn Trãi, thuộc phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đến đây bạn sẽ được ngắm nhìn các tác phẩm điêu khắc và trang trí tinh xảo, những bức tranh chữ Hán đặc sắc, và những hiện vật quý giá từ thời kỳ trước. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của người Trung Hoa tại Sài Gòn.

Hội Quán Nghĩa An Quận 5

2. Cách di chuyển đến Hội quán Nghĩa An

  • Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ Quận 1, bạn có thể tham khảo các tuyến đường sau: Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn  Kiệt - Hải Thượng Lãn Ông.
  • Nếu chọn di chuyển bằng xe buýt thì xe số 39 và 56 là sự lựa chọn tối ưu nhất. Ngoài ra bạn cũng có thể bắt xe số 45 hoặc số 01.

Hướng dẫn di chuyển đến Hội Quán Nghĩa An

3. Về tên gọi “Nghĩa An” của hội quán

Nằm trong số các kiến trúc tôn giáo văn hóa của người Tiều, Hội quán Nghĩa An là một ngôi chùa được xây dựng để thờ vị thần Quan Công, một nhân vật nổi tiếng trong thời Tam Quốc của người Hoa.

Trong tín ngưỡng và văn hóa của người Hoa, việc thờ cúng vị thần Quan Công là biểu hiện cho tấm lòng trung nghĩa "Chùa ông Quan Đế, chí trung nghĩa cao xa ngàn thuở" và cũng là biểu tượng đặc biệt cho những người dân xa xứ với tình yêu và niềm tự hào về quê hương đất nước.

Đây cũng là nơi tập trung của đa số người Tiều di cư từ Trung Quốc sang, nên miếu còn có tên gọi là Hội quán Nghĩa An (Nghĩa An là tên cũ của người Tiều ở Triều Châu). Cái tên Nghĩa An cũng bắt nguồn từ đó để tưởng nhớ về nguồn cội xưa kia. Tuy nhiên, với thói quen của nhiều người, ngôi miếu này thường được gọi là chùa Ông.

4. Kiến trúc, văn hóa của Chùa Ông

Bước vào Hội quán Nghĩa An, bạn sẽ được đắm mình trong không gian kiến trúc đặc trưng của người Hoa. Giống như phần lớn các đền miếu khác, miếu Quan Đế (hay Nghĩa An Hội Quán) được xây dựng theo hình chữ khẩu (囗) hoặc chữ quốc (国), với các giàn nhà khép kín được xếp gọn vuông góc. Với sắc đỏ là màu chủ đạo - tượng trưng cho sự may mắn theo quan niệm của người Hoa - kiến trúc và trang trí của miếu phản ánh rõ phong cách thiết kế của Triều Châu.

Không chỉ là một di tích kiến trúc, Hội Quán Nghĩa An còn là nơi tôn vinh giá trị nghệ thuật đa dạng của người Hoa. Từ thư pháp, điêu khắc đá, chạm gỗ, đến ghép mảnh sành sứ, tất cả được thể hiện rõ nét qua những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Kiến trúc chùa Ông Quận 5

Đến tham quan Nghĩa An Hội Quán, bạn sẽ có cơ hội khám phá và trải nghiệm những giá trị kiến trúc và văn hóa nghệ thuật độc đáo của người Hoa.

Mái ngôi miếu được chia thành 3 cấp, với một giữa cao và hai bên thấp hơn. Trên đỉnh mái, có một tượng sành hình lưỡng long tranh châu được gắn vào vô cùng độc đáo.

Kiến trúc của Hội Quán Nghĩa An

Khuôn viên của miếu khá rộng, chiếm hơn phân nửa diện tích, với sân miếu rộng hơn 2.000 m². Ngoài sân miếu, còn có phần tiền điện, sân Thiên Tỉnh, chính điện và văn phòng hội quán dọc hai bên các điện thờ.

Nét đẹp kiến trúc của Hội quán Nghĩa An

Có 5 cặp kỳ lân lớn nhỏ bằng đá đặt đối xứng nhau từ hai cổng lớn vào đến cửa miếu. Đáng chú ý nhất là cặp "lân hàm châu" (lân ngậm ngọc) đứng trước cửa hai bên. Phía trên, trước biển chữ "Nghĩa An hội quán" treo bức nghi môn làm năm 1903, chạm nổi cảnh "Lục Quốc phong tướng". Trên vách mặt tiền hai bên cửa miếu, có các chữ Hán và sáu bức chạm cành trúc khác nhau.

Hội quán Nghĩa An Quận 5

Nghĩa An Hội Quán đã được bảo tồn kỹ lưỡng để giữ gìn những nét văn hóa cổ xưa của người Trung Hoa tại Sài Gòn, đã trải qua nhiều lần tu bổ vào các năm 1866, 1901, 1969, 1984 và mới nhất là năm 2010. Đây không chỉ là nơi thờ cúng quan trọng của người Tiều tại Sài Gòn, mà còn là một tài sản về kiến trúc và nghệ thuật đáng trân trọng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Do đó, vào ngày 7 tháng 11 năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Quyết định số 43-VH/QĐ công nhận ngôi miếu là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Chùa Ông Quận 5

Hàng năm, người dân sẽ cùng nhau tổ chức những buổi lễ cúng bái vị thần Quan Đế vào ngày 24 tháng 6 (âm lịch) và rằm tháng giêng (lớn nhất). Ngoài ra, cũng kèm thêm những lễ cúng khác như lễ cúng Bà Thiên Hậu, cúng Phúc Đức Chính thần,…..

Hội Quán Nghĩa An

5. Nét độc đáo ở Hội Quán Nghĩa An: Xếp hàng chui qua tượng ngựa cầu may

Bên cạnh việc thờ vị thần Quan Công (còn được gọi là Quan Thánh đế quân) - một nhân vật tài ba, đức độ trong thời Tam Quốc, ngôi chùa còn có một gian thờ dành riêng cho ngựa Xích Thố - con chiến mã của Quan Công.

Sau khi dâng lễ, người hành lễ sẽ chui qua bụng ngựa từ một đến ba lần, hy vọng sẽ mang lại may mắn và hanh thông suốt cả năm.

Chui qua bụng ngựa cầu may tại Hội Quán Nghĩa An

Sau khi chui qua, mọi người sẽ rung chuông trên cổ Xích Thố, và tiếng leng keng vang vọng sẽ đem lại may mắn cho những người tự tay rung quả chuông đó.Đây là một trong những phong tục tín ngưỡng độc đáo của người Hoa tại ngôi chùa này.

6. Những lễ hội tại Hội Quán Nghĩa An (hoặc những ngày lễ tại Miếu Ông)

Đấu thỉnh đèn lộc

Đèn lộc là một loại đèn truyền thống của người Hoa, thường có hình dạng lục giác với mỗi mặt được trang trí phong cảnh, hoa lá tinh tế và các câu chúc phúc tốt lành. Đây cũng là một hoạt động đấu thầu được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên Tiêu tại các hội quán, chùa và miếu của người Hoa.

Đấu thỉnh đèn lộc tại Hội Quán Nghĩa An

Đèn lộc thường được trang trí bởi 6 con rồng thếp vàng lộng lẫy trên 6 góc đèn, các cạnh xung quanh treo tua rua và nơ đỏ, phía dưới treo thẻ ghi tên từng chiếc đèn.

Tại cuộc đấu giá, mỗi chiếc đèn sẽ được đặt tên theo một vị thánh và đều mang ý nghĩa riêng, nhưng tổng thể nhằm gửi đến những lời chúc tốt lành cho người sở hữu. Ngoài việc tạo sinh khí cho mùa lễ hội, hoạt động đấu thỉnh đèn lộc còn giúp cộng đồng người Hoa đoàn kết và hỗ trợ an sinh xã hội tốt đẹp.

Thường thì đèn lồng mang đi đấu giá sẽ bao gồm 9 chiếc. Mỗi chiếc đều được đặt tên theo một vị thánh và mang ý nghĩa riêng, nhưng tổng thể đều chứa đựng những lời chúc tốt lành cho người sở hữu. Các lời chúc bao gồm những điều như hợp gia bình an, vạn sự như ý, kim ngọc mãn đường, thuận buồm xuôi gió, mua may bán đắt, phúc thọ khang ninh, và niên niên hữu dư…

Hội Quán Nghĩa An Triều Châu TP. HCM

Viết thư pháp Xuân làm từ thiện - Cho chữ ngày xuân

Chương trình “Cho chữ ngày xuân" do các thư họa gia người Hoa tại TP. HCM thực hiện diễn ra vào tháng chạp hằng năm tại hội quán Nghĩa An.

Cho chữ ngày Xuân tại Hội Quán Nghĩa An

Sự kiện được tổ chức bởi Chi hội thư pháp thuộc Hội Văn hóa Nghệ Thuật các dân tộc thiểu số TP. HCM, báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn và hội quán Nghĩa An cùng phối hợp.

Viết thư pháp tại Chùa Ông

Đây là một chương trình thiện nguyện thường niên, nhằm giúp đỡ những gia đình nghèo trên địa bàn TP. HCM có một mùa Xuân ấm áp hơn. Qua đó, chương trình mong muốn gây quỹ và trao tặng những phần quà ăn Tết đầy ý nghĩa cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. 

7. Những lưu ý khi đến tham quan tại Hội quán nghĩa an

Tại Hội quán Nghĩa An, du khách sẽ được khám phá không chỉ về lịch sử và văn hóa của người Hoa tại Việt Nam mà còn được thưởng thức những kiến trúc nghệ thuật độc đáo và đẹp mắt.Nếu bạn đến tham quan Hội quán Nghĩa An, hãy lưu ý một số điều sau đây:

  • Trang phục lịch sự và kín đáo là yêu cầu bắt buộc khi tham quan Hội quán.
  • Không được mang theo thức ăn, đồ uống, hoặc hút thuốc lá trong khuôn viên Hội quán Nghĩa An.
  • Không nên chụp ảnh ở những nơi cấm chụp và cần hỏi ý kiến của nhân viên bảo vệ trước khi chụp ảnh ở các khu vực khác.
  • Du khách cần giữ gìn vệ sinh và góp phần bảo vệ những tài sản lịch sử, văn hóa tại Hội quán.
  • Khi vào khu vực lễ đài, bạn cần tôn trọng, giữ im lặng và chú ý đến những người đang cầu nguyện hoặc thắp hương.

Mời bạn xem thêm: Phố người Hoa Quận 5 - Nét đẹp văn hóa đậm chất Trung Hoa

8. Tổng kết

Trên đây là những thông tin về Hội quán Nghĩa An - một di sản văn hóa quý giá của người Trung Hoa tại Sài Gòn. Qua nhiều lần trùng tu và bảo tồn, hội quán đã được giữ nguyên vẹn những nét văn hóa cổ xưa và đánh dấu một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Nếu bạn yêu thích văn hóa và lịch sử, hãy đến tham quan Hội quán Nghĩa An để khám phá những giá trị tuyệt vời mà nơi đây mang lại. Đây là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến Sài Gòn, nơi đón nhận rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Xem thêm về Đời sống

Các địa điểm khác tại Quận 5